Lịch Sử Ninh Thuận: Những Di Tích Chứng Nhận Thời Gian
Lịch Sử Ninh Thuận: Những Di Tích Chứng Nhận Thời Gian
Ngoài cảnh đẹp nguyên vẹn sự hoang sơ của thiên nhiên, Ninh Thuận còn là nơi lưu trữ và bảo tồn những dấu tích lịch sử với niên đại vài trăm năm trước như minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn hóa lâu đời. Và cho đến ngày nay, các di sản ấy dần trở thành những địa điểm du lịch đặc sắc, thu hút khách du lịch khám phá. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các “di tích” nhuốm màu thời gian này nhé!
1. Di Sản Văn Hóa Phong Phú
-
Di sản của văn hóa Chăm Pa
Nền văn hóa Chăm đã được từng hình thành và phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Ninh Thuận và vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay. Các di sản văn hóa của người Chăm ở vùng đất này còn được lưu giữ phải kể đến như chữ viết, các điệu múa, bài hát truyền thống, các lễ hội lâu đời, trang phục, làng nghề truyền thống và cả lối kiến trúc độc đáo từ đất sét.
Tại Ninh Thuận, hệ thống tháp Chăm được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước vẫn còn gần như nguyên vẹn và đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt như Tháp Hòa Lai (thế kỷ 9), Tháp Poklong Garai (thế kỷ 13) và Tháp Po Rome (thế kỷ 17).
Không chỉ có những di tích vật thể, các văn hóa truyền thống của người Chăm vẫn còn được lưu truyền và duy trì cho đến tận ngày nay phải kể đến các lễ hội truyền thống mà chúng tôi đã nhắc ở bài trước như lễ hội Katê, lễ cầu mưa, lễ chabun và hơn 100 lễ hội lớn nhỏ khác.
-
Dấu tích của người Việt cổ
Ngoài dấu ấn đậm nét của nền văn hóa Chăm, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những mộ cổ cùng với đồ vật thuộc nền văn minh Sa Huỳnh từ khoảng 2500 năm trước cho thấy Ninh Thuận từng là nơi sinh sống của người Việt cổ.
-
Di tích lịch sử
Một trong các di tích lịch sử nổi tiếng gần thành phố Phan Rang là Đình Tấn Lộc, được xây dựng từ năm 1853 thờ Thần Thành Hoàng, Thiên Y A Na và Chưởng Thái Giám Bạch Mã. Hằng năm vào dịp tháng 2 và tháng 8 âm lịch, Đình thường tổ chức cả buổi cúng lễ vô cùng long trọng và đậm đà văn hóa truyền thống. Đình Tấn Lộc đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Ngoài ra, còn có đình Vạn Phước là một ngôi đình cổ kính được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Với hoa văn tứ linh: long, lân, quy, phụng được chạm khắc tinh xảo trên các kèo cột, rường xà, tranh thờ…đình làng Vạn Phước mang đậm văn hóa thời vua Tự Đức và Khải Định đầy ấn tượng. Thời Pháp thuộc, đình Vạn Phước gắn liền với những hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân Ninh Thuận. Năm 1999, Bộ Văn Hóa Thông Tin đã công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
2. Nghệ Thuật Truyền Thống Đặc Sắc Ở Ninh Thuận
Như một lẽ tất nhiên, song song với các dấu ấn văn hóa Chăm Pa, Ninh Thuận nổi tiếng với các vũ điệu Chăm lôi cuốn. Các điệu múa truyền thống Chăm thường được xuất hiện ở các lễ hội lớn cùng với các nhac cụ dân tộc như trống Ginăng, trống Bara nưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi…. Nổi bật nhất vẫn là trống Ginăng với âm điệu mạnh mẽ hùng hồn đặc trưng của người Chăm.
Các điệu múa Chăm ngày càng được phổ biến rộng rãi và là niềm đam mê của rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam, không riêng gì người dân Chăm Pa nhờ các động tác cuốn hút, âm nhạc bắt tai và trang phục vô cùng đẹp mắt.
3. Làng Nghề Truyền Thống Lâu Năm Ở Ninh Thuận
Nhắc đến người Chăm ở Ninh Thuận không thể không nhắc đến các làng nghề truyền thống lâu đời của họ. Nổi bật nhất có thể kể đến Làng Gốm Bàu Trúc. Với các sản phẩm vẫn giữ được nguyên vẹn nét truyền thống như tổ tiên bao đời họ truyền lại từ cách làm thủ công “nặn bằng tay, xoay bằng mông”, cách nung lộ thiên bằng củi, rơm, trấu đến những hoa văn chạm khắc đậm nét Chăm Pa.
Những người thợ cũng chẳng cần bản vẽ hay thiết kế mẫu, họ tự mình thổi hồn vào từng tác phẩm nên mỗi sản phẩm làm ra đều là duy nhất, không có cái thứ 2 giống vậy. Sản phẩm của làng gốm Bàu Trúc mang màu sắc đặc trưng từ đất sét, lửa nung ánh lên màu nâu đỏ mộc mạc mà rất riêng, không lẫn với đồ gốm của nơi nào khác. Làng gốm Bàu Trúc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 6 vừa qua.
Làng Thổ Cẩm Mỹ Nghiệp cũng là điểm đến văn hóa được nhiều du khách yêu thích khi có dịp du lịch Ninh Thuận. Đã tồn tại hàng thế kỷ, làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp vẫn còn tồn tại và phát triển đến tận ngày nay là nhờ quy trình sản xuất thủ công vô cùng tỉ mỉ và chau chuốt của người thợ truyền thống. Nguyên liệu làm nên những sản phẩm tuyệt đẹp này là cây bông được trồng ở địa phương, trải qua 7749 bước với sự khéo léo mà con mắt thẩm mỹ tinh tế mới tạo nên thành phẩm có giá trị cao cả về kinh tế lẫn văn hóa.
Hiện nay Ninh Thuận có 233 di tích được thống kê, phân loại gồm 46 đình, 11 đền, 85 chùa và 91 di tích khác, trong đó có 27 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Có thể thấy những di tích lịch sử văn hóa tại Ninh Thuận không chỉ là chứng tích, mà còn là minh chứng cho thấy bề dày lịch sử của nền văn hóa truyền thống đa dạng của đất nước Việt Nam đã được kế thừa từ ông cha ta.