Lễ Hội Truyền Thống Ninh Thuận - Khám Phá Nền Văn Hóa Chăm Pa
Lễ Hội Truyền Thống Ninh Thuận - Khám Phá Nền Văn Hóa Chăm Pa
Trải qua hàng trăm năm với những biến cố của lịch sử và thời gian, các lễ hội truyền thống Ninh Thuận vẫn được lưu giữ và phát triển như một minh chứng hùng hồn cho một nền văn hoá Chăm Pa đã từng tồn tại ở thế kỷ trước. Các lễ hội đặc sắc này không chỉ là mảnh ghép góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Việt Nam mà còn là điểm hút của du lịch Ninh Thuận đối với khách du lịch yêu thích khám phá văn hoá dân tộc.
1. Các Lễ Hội Đặc Sắc Của Người Dân Chăm Pa Ở Ninh Thuận
- Lễ Hội Katê
Lễ hội Katê là một trong những lễ lớn, đặc sắc nhất trong văn hóa Chăm tại khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận và đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam. Lễ hội này thường được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm, tức là khoảng tháng 9-10 dương lịch nhằm bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần và tưởng nhớ tổ tiên.
Lễ hội Katê truyền thống trước đây thường kéo dài cả tháng với những nghi thức và lễ hội đặc sắc, là dịp để người dân đoàn tụ gia đình, thăm hỏi bạn bè, nghỉ ngơi, tận hưởng thành quả sau một năm lao động vất vả. Tuy nhiên, do sự thay đổi của thời gian, ngày nay lễ hội Katê đã được rút ngắn lại còn khoảng 1 tuần. Lễ hội gồm 2 phần chính là phần Lễ kéo dài 3 ngày với các nghi lễ quan trọng như dâng lễ vật và rước trang phục cho thần linh. Phần Hội sẽ diễn ra trong 4 ngày còn lại với các chương trình biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian vui nhộn.
Lễ hội Katê thường được tiến hành tại các đền tháp cổ kính như Po Klong Garai, Po Rome,… với sự tham gia của các chức sắc tôn giáo như Pô Aka (giáo chủ), Pô Rame (giáo sĩ), Pô Thang (giáo trợ) và Pô Tha (giáo phụ). Các nghi lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm và linh thiêng, với sự kết hợp giữa âm thanh của trống Gi Năng, trống Paranưng, kèn Saranai và tiếng ca của các giáo sĩ.
Có thể nói, lễ hội Katê là một minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam, góp phần lớn trong việc thu hút khách du lịch đến với vùng đất Ninh Thuận hoang sơ và huyền bí.
- Lễ Hội Ramuwan
Lễ hội Ramưwan là lễ hội lớn nhất năm đối với người Chăm theo đạo Hồi ở vùng đất Ninh Thuận. Với các hoạt động mang ý nghĩa hướng về nguồn cội, tưởng nhớ tổ tiên đã khuất, Ramưwan còn được gọi là lễ tảo mộ của người Chăm. Lễ hội này thường được tổ chức vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 dương lịch, mở đầu bằng lễ tảo mộ kéo dài 3 ngày, sau đó là lễ cúng gia tiên và các hoạt động vui chơi, quây quần để cùng nhau đón mừng tết theo lịch của người Chăm.
Sau phần nghi lễ, lễ hội Ramưwan sẽ bước vào tháng chay tịnh kéo dài đúng một tháng. Trong tháng này, các vị chức sắc sẽ sinh hoạt hoàn toàn ở trong thánh đường và họ chỉ ăn uống sau khi mặt trời đã lặn với ý nghĩa gột rửa cả tâm hồn và thể xác, chế ngự những ham muốn tầm thường.
Có thể nói lễ hội Ramưwan có nhiều nét tương đồng với lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn cùng những nét văn hóa đặc trưng góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hoá dân tộc Việt Nam.
- Lễ Hội Chabun
Theo phong tục truyền thống của người Chăm Bàlamôn, lễ hội Chabun sẽ được tổ chức vào tháng 9 hằng năm theo lịch Chăm nhằm thờ cúng các Nữ thần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. Lễ hội Chabun, chính là lễ hội đặc trưng của dân tộc có tín ngưỡng thờ mẫu (Mẹ) mà cụ thể là Nữ thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar.
Trong lễ hội này, ngoài các nghi lễ dâng cúng tương tự như lễ hội Katê đã nói ở trên thì còn có tục rước trầm hương, hát ru, múa phồn thực, tục dâng gạo và nhiều nghi lễ cầu xin con cái, cầu sức khỏe cầu lộc, cầu mùa màng tốt tươi...
2. Khám Phá Nét Đẹp Truyền Thống Chăm Qua Lễ Hội
- Trang phục truyền thống
Đến với các lễ hội truyền thống ở Ninh Thuận, bạn không chỉ có cơ hội khám phá văn hoá Chăm Pa qua các nghi lễ dâng cúng cầu kỳ, chỉnh chu mà còn có thể tận mắt chiêm ngưỡng trang phục truyền thống đầy cuốn hút và độc đáo của họ.
Trong văn hoá người Chăm, mỗi chức vị, mỗi tầng lớp sẽ có một loại trang phục riêng. Sự độc đáo của trang phục Chăm thể hiện qua kiểu dáng và hoa văn trang trí rất riêng biệt so với các dân tộc khác. Đặc trưng trang phục Chăm là không trang trí hoa văn trên nền vải áo. Hoa văn được trang trí trên từng mảnh vải rồi may ghép vào các bộ phận của trang phục như cạp váy, thắt lưng. Riêng váy của phụ nữ Chăm, hoa văn được trang trí trên cạp váy và nền vải. Trong đời sống hàng ngày, nam, nữ đều mặc váy quấn (sa rông). Nam giới đội mũ vải, phụ nữ choàng khăn Ma-tơ-ra hay còn gọi là khăn Khanh Ma-om.
- Các điệu múa Chăm Pa đầy cuốn hút
Các điệu múa trong những lễ hội truyền thống của Chăm Pa luôn ẩn chứa sự cuốn hút và bí ẩn trong từng động tác, từng giai điệu. Các vũ điệu nổi bật có thể kể đến như: Vũ điệu dâng lễ, múa Apsara, múa cắn lửa, cùng với âm điệu của tiếng kèn saranai, trống ghi năng và paranưng…những bước múa uyển chuyển, những giai điệu âm nhạc trầm bổng tọa nên bức tranh sống động về lịch sử, văn hoá tâm linh và cả đời sống thường nhật của người dân tộc Chăm.
- Ẩm Thực Chăm
Tham gia các lễ hội truyền thống Chăm ở Ninh Thuận còn là một dịp tốt để du khách trải nghiệm các món ăn truyền thống đặc trưng của dân tộc Chăm Pa như các loại mắm đậm đà, thịt dê, thịt chuột hay các loại bánh đặc trưng chỉ được làm trong các dịp lễ lớn.
Du lịch Ninh Thuận và tham gia vào các lễ hội truyền thống của người Chăm là một hoạt động hứa hẹn mang đến cho du khách những cảm xúc mới lạ khi được khám phá, thưởng thức và hòa mình vào một nền văn hóa độc đáo rất riêng biệt trên dải đất hình chữ S thân thương. Hãy lên kế hoạch ghé thăm Ninh Thuận và tham gia các lễ hội truyền thống Chăm Pa nơi đây nhé!