Thông tin bài viết

Làng nghề truyền thống Ninh Thuận - Tuyệt Tác Từ Bàn Tay Người Nông Dân

Làng nghề truyền thống Ninh Thuận - Tuyệt Tác Từ Bàn Tay Người Nông Dân

 

Du lịch Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi sự hấp dẫn từ nhiều làng nghề truyền thống lâu đời vô cùng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá những làng nghề truyền thống ấn tượng nhất ở Ninh Thuận, và chiêm ngưỡng những tuyệt tác được tạo nên từ bàn tay tài năng của người nông dân.

 

1. Làng Gốm Bàu Trúc

Cách thành phố Phan Rang khoảng 10km về phía tây, làng gốm Bàu Trúc là địa điểm thu hút khách du lịch Ninh Thuận trong thời gian gần đây. Là một trong những làng gốm cổ có tuổi đời lâu nhất tại Đông Nam Á còn tồn tại đến ngày nay, làng gốm Bàu Trúc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và là điểm đến yêu thích của du khách thích tìm hiểu về nghệ thuật gốm truyền thống.

 

Điểm đặc biệt của làng gốm Bàu Trúc là tất cả các sản phẩm đều được sản xuất thủ công bằng sức người với nguyên liệu truyền thống hoàn toàn như cách tổ tiên hàng ngàn năm trước của họ truyền lại.

 

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc sẽ nặn bằng sức tay, chân tạo nên các sản phẩm độc đáo như nồi, bình hoa, lu, vại hay các đồ vật trang trí. Họ tạo nên sản phẩm hoàn toàn bằng sự sáng tạo mà chẳng cần một bản vẽ hay thiết kế quy chuẩn nào, chính vì vậy mỗi sản phẩm tạo ra đều là độc nhất. Nguyên liệu tạo nên các sản phẩm gốm ở Bàu Trúc là đất sét được khai thác ở vùng bờ sông Quao với đặc tính dẻo, mịn. Một điểm nữa khiến làng gốm Bàu Trúc trở nên khác biệt với các làng gốm truyền thống khác là ở cách nung mộc mạc không cần xây dựng lò nung. Gốm sẽ được nung lộ, lớp dưới  để củi, rơm, trấu,... nung từ 6-8 tiếng sẽ cho ra thành phẩm. Các sản phẩm ở đây đều được tạo màu tự nhiên từ trái thị hoặc trái dông vài phun bóng bằng tinh chất hạt điều. Vì vậy sản phẩm gốm Bàu Trúc thường có màu sắc đặc trưng là đỏ, nâu hoặc đen xám.

 

Có thể nói làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng nghề truyền thống quan trọng nhất của tỉnh Ninh Thuận với những đóng góp không nhỏ về mặt kinh tế và truyền thống văn hóa. Nếu bạn yêu thích nghề gốm, muốn tự tay làm nên một sản phẩm gốm nhưng chưa có điều kiện ghé thăm làng gốm Bàu Trúc thì đừng buồn vì khu du lịch Natural Paradise Ninh Thuận vẫn thường xuyên tổ chức các buổi workshop làm gốm với các nghệ nhân từ làng gốm Bàu Trúc đấy, hãy tham gia ngay nhé!

 

2. Làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Được hình thành từ thế kỷ thứ VI, làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm và đã được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia năm 2018. Hiện nay, làng nghề này vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ và trở thành điểm đến du lịch văn hóa yêu thích của đông đảo du khách. Cũng như làng gốm Bàu Trúc, các sản phẩm của làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp vẫn được làm hoàn toàn bằng thủ công. Thổ cẩm được dệt bằng khung truyền thống với những thao tác cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ lành nghề.

 

Nguyên liệu chính tạo nên các sợi chỉ dệt của người Chăm là những cây bông vải được trồng trong chính vườn nhà của họ, trải qua vô vàn bước  phức tạp  như tách hạt, se sợi, ngâm, nhuộm, chải, đánh rồi mới đem đi dệt vải. Khâu nhuộm được xem là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng thẩm mỹ của người thợ để tạo nên được những màu sắc hài hòa nhất. Màu nhuộm cũng được làm hoàn toàn từ lá, vỏ hoặc nhựa cây rừng như màu đen được làm từ lá cây chùm bầu ngâm bùn non, màu đỏ từ nhựa cây cánh kiến, màu xanh từ lá cây tràm,...Tùy vào mức độ đơn giản hay cầu kỳ của tấm vải và kỹ năng cũng như sự khéo léo của người thợ mà quá trình dệt sẽ kéo dài từ 2 đến 3 ngày, cách dệt này đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ rất lớn từ người thợ.

 

Có thể thấy để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, đặc sắc là cả một quá trình công phu của những người phụ nữ làng Mỹ Nghiệp. Ngoài sản phẩm thổ cẩm thô, làng nghề hiện tại đã có rất nhiều sản phẩm đa dạng khác, phải kể đến khăn rằn, khăn Chăm, túi xách, ví, áo sơ mi, áo khoác, váy, mũ, khăn trải bàn, khăn trải giường…

 

3. Làng nghề đan lát Tập Lá

Cách trung tâm xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc khoảng 5km, làng nghề đan lát thôn Tập Lá nằm xen giữa không gian núi rừng bao la. Không nổi tiếng và được nhiều người biết đến như làng gốm Bàu Trúc hay làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp nhưng nghề đan lát ở thôn Tập Lá cũng đã có mặt từ rất lâu đời và là một trong những nghề truyền thống của đồng bào người Raglai Ninh Thuận với sản phẩm là những chiếc gùi, nia, chick,...quen thuộc với người dân tộc.

 

Nguyên liệu tạo nên một những chiếc gùi, giỏ, chick của làng nghề đan lát Tập Lá chủ yếu là những nan tre, mây. Nghe đến đan lát nhiều người nghĩ đây là công việc nhẹ nhàng, nhưng thật chất  để có được những nguyên liệu tạo nên sản phẩm chất lượng lại là việc không hề đơn giản.  Để có nguyên liệu, người thợ phải đi bộ ròng rã cả một ngày đường lên núi chặt những cây lồ ô không quá non cũng không quá già vác về nhà phơi trong bóng râm cho đến khi thật khô rồi chẻ thành nan mỏng. Các công đoạn đan lát như đan, bẻ vành, gắn đế,... cũng không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng cùng độ tỉ mỉ khá cao để thành phẩm đẹp và có giá trị.

 

Tuy chưa được nhiều du khách biết đến nhưng làng nghề đan lát Tập Lá đã được công nhận là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời của Ninh Thuận và đang được địa phương cũng như người dân gìn giữ, phát triển.

 

4. Làng thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng Cầu Gãy

Thôn Cầu Gãy nằm sâu trong rừng với địa thế núi non hoang sơ cách thành phố Phan Rang khoảng 40km về phía Đông Bắc. Để đến được đây, du khách phải băng qua cây cầu treo lơ lửng giữa khe núi cheo leo, được nghe tiếng suối chảy róc rách và hít thở bầu không khí trong lành của núi rừng thiên nhiên. Tuy chưa được nhiều người biết đến và cũng không phải là địa điểm du lịch nhưng từ lâu thôn Cầu Gãy đã hình thành một làng nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng và đã được công nhận là làng nghề truyền thống của Ninh Thuận.

 

Người dân thường nhặt các loại hạt cây rừng rụng như bồ đề, gò đỏ, cam thảo, mắt mèo… có trong Vườn Quốc gia Núi Chúa để kết thành chuỗi vòng đeo tay, đeo cổ, móc chìa khóa… Các sản phẩm được làm hoàn toàn từ hạt cây tự nhiên nên giữ được màu sắc nguyên bản của núi rừng và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc.

 

Tuy nhiên do chưa được quan tâm và đầu tư phát triển nên làng nghề này đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra và dần bị mai một. Nếu có dịp ghé thăm NInh Thuận, bạn hãy mua một chiếc vòng từ hạt cây rừng từ làng thủ công mỹ nghệ Cầu Gãy để góp phần gìn giữ làng nghề truyền thống này nhé.

 

5. Làng chiếu An Thạnh

Làng An Thạnh thuộc xã An Hải huyện Ninh Phước là nơi duy nhất ở Ninh Thuận có nghề làm chiếu lâu đời. Là một vùng đất trũng, làng An Thạnh có thể tự trồng được loại cây đay, cói- nguồn nguyên liệu chính để làm nên chiếc chiếu. Do đó chiếu là sản phẩm đặc trưng của làng An Thạnh với  nhiều loại, kích cỡ, và mẫu mã khác nhau. Dệt chiếu dần trở thành nghệ thuật với sự đa dạng và sáng tạo của người dân nơi đây: Có chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu trắng tinh khôi, chiếu với hoa văn tinh xảo, và chiếu vẩy ốc độc đáo. Mỗi loại chiếu đều thể hiện sự tinh tế và sự khéo léo của những người nghệ nhân địa phương.


Đặc biệt, chiếu cói An Thạnh không chỉ nổi bật với hoa văn đa dạng mà còn ấn tượng với sự mềm mại cao và độ bền cao.  Sự linh hoạt và chất liệu chọn lọc đã giúp chiếu cói An Thạnh có thời gian sử dụng kéo dài gấp đôi so với nhiều loại chiếu khác. Điều này làm cho sản phẩm trở nên phổ biến và được ưa chuộng mạnh mẽ trên thị trường. Chiếu cói  làng An Thạnh không chỉ là sản phẩm truyền thống mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 

Tìm hiểu về những làng nghề truyền thống ấn tượng này, chúng ta có dịp nhìn thấy những sản phẩm tinh xảo được tạo ra từ bàn tay của người nông dân Ninh Thuận và  hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi đây. Có thể nói làng nghề truyền thống Ninh Thuận không những là nơi sản xuất hàng hóa mà còn là bảo tàng sống động, lưu giữ và truyền đạt những giá trị văn hóa quý báu từ thế hệ này sang thế hệ khác.